menu

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Bài thi hùng biện “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật"


Kính thưa quý thầy cô cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Như tất cả chúng ta đều biết, mỗi lời nói của chúng ta đều ẩn chứa một sức mạnh vô hình. Một lời động viên đúng lúc có thể giúp cho những người đang trong cơn bế tắc lấy lại tinh thần và vượt qua khó khăn. Nhưng cũng có những lời nói có thể làm người khác mất hết tinh thần, thậm chí có thể giết chết một người đang trong cơn tuyệt vọng.
Người xưa “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” nghĩa là một lời nói ra, bốn cổ xe ngựa không đuổi kịp. Do đó, chúng ta phải biết thân trọng với lời nói của mình, “trước khi nói phải uống lưỡi bảy lần”.
Trong cuộc sống hằng ngày, chỉ vì một câu nói thiếu suy nghĩ trong cơn nóng giận mà bạn bè hiểu lầm, giận nhau, không nhìn mặt nhau. Thậm chí chỉ vì lời nói thiếu suy nghĩ mà xảy ra xô xát, án mạng. Nhiều vụ án mạng xảy ra chỉ vì một lời nói đùa cợt, một lời thách thức.
Học nói để biết nói lời hay, ý đẹp; để biết nói lời chia sẻ, động viên người khác; học nói để ngay cả trong cơn giận dữ cũng phải biết kiềm chế không nói ra điều mất khôn, khó nghe, có thể làm tổn thương người khác và có thể làm hại ngay cả bản thân mình.
Học tập, rèn luyện lời ăn tiếng nói, học cách yêu thương, chia sẻ.. là những đức tính tốt đẹp con người mà mỗi chúng ta phải luôn thực hiện ngay từ nhỏ và trong suốt cuộc đời. Đến với Hội thi hùng biện “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật"  dành cho học sinh cấp THCS năm 2015 do trường THCS Lý Tự Trọng tổ chức hôm nay, đại diện cho tập thể lớp 6/7, em xin được chia sẻ Hội thi hùng biện “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật"cùng Ban giám khảo, quý thầy cô giáo và toàn thể các bạn học sinh câu chuyện tình huống đạo đức như sau:
Câu chuyện “Vết thương”
Một cậu bé nọ có tính hay nổi nóng. Một hôm cha của cậu bé đưa cho cậu một túi đinh và nói với cậu:
- Mỗi khi con muốn nổi nóng với ai đó thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một cây đinh lên chiếc hàng rào gỗ. 
Ngày đầu tiên cậu bé đã đóng hơn một chục cây đinh lên hàng rào gỗ. Và cứ thế số đinh tăng dần. Nhưng vài tuần sau cậu bé đã tập kiềm chế dằn cơn nóng giận của mình và số lượng đinh phải đóng mỗi ngày ít đi. Cậu nhận thấy rằng kềm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đi đóng đinh lên hàng rào.

Đến một ngày, cậu đã không nổi giận một lần nào suốt cả ngày. Cậu đến thưa với cha và ông bảo :
- Tốt lắm, nếu bây giờ con tự dằn lấy được và không nổi nóng một lần thì con hãy nhổ một cây đinh ra khỏi hàng rào.
Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé đã vui mừng hãnh diện tìm cha mình báo rằng trên hàng rào đã không còn cây đinh nào cả.
Người cha nói nhỏ nhẹ với cậu :
- Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh con để lại trên hàng rào. Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng giống như những lỗ đinh này, chúng để lại những vết thương khó rất khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó con có nói xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương dù lành nhưng vết sẹo cũng còn để lại mãi.
- Con hãy luôn nhớ: Vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả thể xác. Bạn bè ta, những người chung quanh ta là những viên đá quí. Họ giúp con cười và giúp con mọi chuyện. Họ nghe con than thở mỗi khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở trái tim mình ra cho con.
- Hãy nhớ lời cha.
      
Qua câu chuyện trên cho chúng ta thấy “thời gian sẽ chữa lành vết thương, nhưng thời gian không phải là thẩm mỹ viện nên khi vết thương lành sẽ để lại sẹo”; những vết thương trên cơ thể sẽ lành theo năm tháng, nhưng vết thương trong tâm hồn thì dù thời gian có đi qua, mọi chuyện có trở lại như cũ thì nó vẫn hằn một vết trong tâm hồn của mỗi người. Bạn có bao giờ cảm thấy đau đớn vì một câu nói của ai đó, có bao giờ cảm thấy thất vọng tràn trề và chán nản tột độ vì thái độ của những người xung quanh. Nếu ai cũng chỉ biết thỏa mãn cảm xúc của mình thì tất cả chúng ta đều để lại những vết xước trong tâm hồn của nhau. Nông sâu có cả, nhưng chúng không vì thế mà khác nhau. Cũng giống như chiếc áo, dù chỉ một vết rách nhỏ nhưng lúc dùng chỉ khâu lại cũng để lại một vết xước trên đó. Nó không vì năm tháng mà biến mất. Có lúc vì sự vô tâm của con người, vì thiếu ý thức và không biết tôn trọng lẫn nhau khiến cho vết khâu năm xưa ngày càng lan rộng và phá hủy tất cả.
Đừng bao giờ nói những lời khiến người khác cảm thấy bị tổn thương, cũng đừng bao giờ có những hành vi không thể chấp nhận được với người khác dù bạn có giận giữ như thế nào đi nữa. Cảm xúc là của bạn, bạn hoàn toàn có thể kiềm chế được nó. Chỉ cần bạn nhớ rằng: tôn trọng mình và tôn trọng người, kiềm chế cảm xúc và hướng tới mối quan hệ tốt đẹp. Bạn sẽ làm được điều đó thôi.

Thời gian này tất cả học sinh trường THCS Lý Tự Trọng chúng ta đang tham gia Hội thi hùng biện về tình huống đạo đức pháp luật. Đây là diễn đàn để chúng ta cùng nhau trao đổi, chia sẽ, nói lên suy nghĩ của mình về các tình huống, câu chuyện đạo đức, pháp luật trong cuộc sống đã được học, được đọc. Nhằm qua đó giúp chúng ta rút ra những bài học đạo đức, pháp luật sâu sắc để tiếp tục tu dưỡng, học tập, rèn luyện trở thành những người con ngoan, học trò giỏi, công dân tốt, có ích cho tổ quốc.
Các bạn và tôi hãy mở rộng tấm lòng nhân hậu yêu thương đến mọi người. Quan tâm động viên chia sẽ với những khó khăn của những người xung quanh bằng thái độ, tình cảm chân thành nhất. Vì phép màu sẽ đến nếu chúng ta biết yêu thương, sẽ chia; và vì những lời nói có thể làm thay đổi số phận một con người. Hãy tha thứ cho nhau nếu có lúc nào đó chúng ta đã để lại trong lòng nhau vết thương nào đó!



Chúng ta luôn nhớ “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”;  “Chim khôn hót tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Cuộc sống của chúng ta và mọi người xung quanh trở nên như thế nào tuỳ thuộc vào chính thái độ và những lời nói của chúng ta. Vì vậy tất cả mọi người chúng ta hãy cẩn thận với lời nói của mình. Hãy nói những lời mang đến niềm tin và sức sống cho những ai đi ngang qua cuộc đời bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét